Đề bài: Có người cho rằng: " Cảm hứng chủ đạo của bài thơ Tây Tiến là nỗi nhớ da diết của Quang Dũng về Tây Tiến ". Hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

Bài văn mẫu

    Quang Dũng là nhà thơ mang hồn thơ phóng khoáng, lãng mạn và hào hoa. Ông đã để lại dấu ấn tên tuổi của mình trong rất nhiều sáng tác tiêu biểu trong đó có bài thơ Tây Tiến. Nhắc đến Tây Tiến người ta lại nhớ ngay đến thiên nhiên Tây Bắc cũng như hình ảnh người lính Tây Tiến một thời với bao nét đẹp mang dấu ấn đặc trưng của người lính trong cuộc kháng chiến ác liệt. Có người nói rằng : Cảm hứng chủ đạo của bài thơ Tây Tiến chính là nỗi nhớ da diết của nhà thơ Quang Dũng về Tây Tiến.

    Cảm hứng chủ đạo là trạng thái cảm xúc mãnh liệt đóng vai trò quan trọng trong suốt tác phẩm văn học gắn liền với tư tưởng, đánh giá của tác giả và có một sự tác động mạnh mẽ đến người đọc. Điểm bắt đầu đến diễn biến và kết thúc của hành trình trở về với quá khứ của Quang Dũng là nỗi nhớ. Có thể nói nỗi nhớ chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cả bài thơ khiến cho bài thơ càng trở nên dạt dào cảm xúc. Nỗi nhớ dẫn dắt nhà thơ trở về với nhiều điều đặc biệt là khung cảnh thiên nhiên Tây Bắc và cuối cùng kết tinh của nỗi nhớ là hình ảnh người lính Tây Tiến. Nỗi nhớ hiện lên trong bài thơ mang trạng thái cảm xúc da diết sâu đậm.

    Nỗi nhớ đưa nhà thơ trở về với thiên nhiên Tây Bắc vừa mang nét đẹp dữ dội, khắc nghiệt vừa trữ tình, thơ mộng. Hai nét đẹp đan xen, hòa quyện với nhau trong từng nét vẽ của nhà thơ khiến cho thiên nhiên Tây Bắc hiện lên đầy màu sắc và ấn tượng. Nỗi nhớ dồn nén như cuộn xoáy bên trong nhà thơ thúc giục nhà thơ bật ra thành tiếng gọi:

    Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

    Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi

Tiếng gọi cất lên phảng phất một cảm giác trống trải, cô đơn của một người nặng lòng tha thiết với Tây Tiến. Có lẽ bắt nguồn từ cảm xúc đó, thiên nhiên hùng vĩ và dữ dội được hiện lên trước hết qua hình ảnh sương núi: "Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi". Sương dày đặc và lạnh buốt nhiều đến nỗi như vùi lấp đoàn quân. Không chỉ vậy, dốc núi cheo leo, hiểm trở cũng được tái hiện lại làm tăng thêm sự ấn tượng về màu sắc dữ dội của thiên nhiên nơi đây:

    Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

    Heo hút cồn mây, súng ngửi trời

    Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

    Ba câu thơ vẽ ra một bức tranh thiên nhiên hoang sơ và hùng vĩ với hình ảnh đèo dốc quanh co “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “heo hút cồn mây”. “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm” câu thơ chỉ có bảy tiếng nhưng có đến năm tiếng thanh trắc, hai từ dốc được lặp lại và rồi cùng kết hợp với hai từ láy “khúc khuỷu”, “thăm thẳm” gợi lên cảnh tượng đèo dốc gập ghềnh, gian nan mà hiểm trở biết bao. Nét vẽ hoang sơ, bí hiểm tiếp tục được khắc họa đâm nét qua hai câu thơ tiếp:

    “Chiều chiều oai linh thác gầm thét

    Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”

    Cách sử dụng thủ pháp nhân hóa qua hai hình ảnh “thác gầm thét”, “cọp trêu người” nhấn mạnh sự linh thiêng, đáng sợ của nơi rừng thiêng nước độc khiến cho con người mang trong mình cảm giác rùng rợn, ghê sợ. Thiên nhiên Tây Bắc dữ dội là thế, nguy hiểm là thế nhưng cũng có khi thơ mộng nên thơ đến ngỡ ngàng:

    “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”

    Và rồi Tây Tiến đem lại vẻ đẹp bình yên trong làn khói:

    “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

    Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”

    Đậm nét hơn và trữ tình hơn có lẽ là cảnh sông nước mênh mông trong bốn câu thơ:

    “Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

    Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

    Có nhớ dáng người trên độc mộc

    Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”

    Đây là cảnh thiên nhiên vào một buổi chiều ở Châu Mộc có sương giăng mắc bảng lảng, mơ hồ với dòng sông thi vị nên thơ và bến bờ hoang dại với những hồn lau. Chỉ bằng vài nét gợi tả Quang Dũng đã khắc họa được một bức tranh phong cảnh với vẻ đẹp huyền ảo, xa xăm và thơ mộng cho thiên nhiên Tây Bắc. Thiên nhiên giống như một con người với những nét đẹp rất đặc trưng của Tây Bắc khiến cho người đọc không thể nào không khỏi ấn tượng.

    Không chỉ thiên nhiên Tây Bắc mà hình ảnh người lính Tây Tiến và đoàn quân Tây Tiến cũng hiện lên thật đẹp trong nỗi nhớ của Quang Dũng . Nếu như thiên nhiên vừa dữ dội vừa thơ mộng, duyên dáng thì con người cũng hiện lên với vẻ đẹp mạnh mẽ, khỏe khoắn, dũng cảm nhưng cũng không kém phần lãng mạn, hào hoa. Hai vẻ đẹp đó của người lính được thể hiện sóng đôi với nhau trong từng kỉ niệm của nỗi nhớ. Nhớ về chặng đường hành quân với bao nhiêu khó khăn, gian khổ, với sương lấp, dốc núi hiểm trở hay tiếng cọp dữ tợn, người lính vẫn sẵn sàng đối mặt, chẳng hề lo lắng hay sợ hãi điều gì.

    Không chỉ vậy, người lính còn tạo cho mình những giây phút thư giãn, nghỉ ngơi, để vui đùa tếu táo. Chúng ta có thể thấy điều này qua hình ảnh “súng ngửi trời”. Người lính hiện lên với sự lạc quan, yêu đời hơn bao giờ hết trước sự khắc nghiệt của cuộc hành trình. Tuy nhiên nét hào hoa, đa tài của người lính được nỗi nhớ của Quang Dũng tiếp tục gợi nhắc rõ nét hơn trong đêm liên hoan thắm thiết tình quân dân:

    “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

    Kìa em xiêm áo tự bao giờ

    Khèn lên man điệu nàng e ấp

    Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”

    Cảnh vật và con người trong đêm liên hoan quả thực đem lại một sự cuốn hút kỳ lạ đối với những người lính. Những người lính say sưa theo tiếng khèn điệu nhạc, tâm hồn của họ tràn đầy ý thơ và mơ tưởng đến ngày mai vui tươi ở Viên Chăn. Chính đêm liên hoan thắm thiết tình quân dân này lại là nguồn động viên an ủi tinh thần khiến cho người lính vượt lên trên sự tàn khốc của chiến tranh.

    Hình ảnh đoàn quân Tây Tiến còn hiện lên trong nỗi nhớ của Quang Dũng qua bốn câu thơ:

    “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

    Quân xanh màu lá dữ oai hùm

    Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

    Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

    Chân dung người lính được khắc họa thật đặc biệt bằng những nét vẽ thật khác thường như “không mọc tóc”, “xanh màu lá”, “dữ oai hùm”, “mắt trừng gửi mộng”. Nhưng tất cả những điều này lại bắt nguồn từ chính đời sống thực tế đầy khắc nghiệt và gian khổ. Trước sự thật đó Quang Dũng không hề né tránh mà tái hiện thật tài tình bằng màu sắc lãng mạn : “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc”. Cách nói của Quang Dũng cho thấy khẩu khí ngang tàng của những người lính trẻ, hồn nhiên : tóc không thèm mọc chứ không phải tóc không mọc được do sốt rét rừng. Nơi rừng thiêng nước độc thiếu thốn đủ đường không thể có thuốc men đủ đầy nên “quân xanh màu lá” cũng là một điều dễ hiểu. Nỗi nhớ về “dáng kiều thơm” như một yếu tố để cân bằng lại đời sống nội tâm của người lính sau những tháng ngày hành quân vất vả chứ không phải là sự yếu đuối như một số người vẫn nhầm tưởng. Bằng việc sử dụng những từ ngữ khắc họa tài tình Quang Dũng đã tạc lên bức tượng đài cụ thể về cả vẻ bề ngoài đầy ấn tượng và tâm hồn bên trong với sự lãng mạn, hào hoa.

    Người lính dũng cảm, can trường, hào hoa nhưng cũng toát lên vẻ đẹp bi tráng của thế hệ thanh niên đầy nhiệt huyết. Ngòi bút của Quang Dũng đã phác họa thành công bức tượng đài về người lính Tây Tiến nhưng không hề đưa người đọc vào sự bi thương mà luôn ngời sáng vẻ đẹp hào hùng:

    “Rải rác biên cương mồ viễn xứ

    Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

    Áo bào thay chiếu, anh về đất

    Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

    Nỗi bi thương dường như được giảm nhẹ đi bởi việc nhà thơ sử dụng các từ Hán Việt như “biên cương”, “viễn xứ”. Mặt khác cái bi thương đó lại bị mờ đi bởi lí tưởng khát vọng chiến đấu quên mình của người lính: “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Sự bi thương trong cái chết tiếp tục được nâng đỡ nhờ cách nói giảm nói tránh “Áo bào thay chiếu anh về đất”. Về đất là về với đất mẹ thân yêu, về với tất cả những gì bình dị nhất và thân thiết nhất. Tiếng sông Mã gầm lên như tạo nên một bản nhạc riêng, độc đáo dành riêng cho người lính Tây Tiến.

    Với việc lựa chọn ngôn ngữ chính xác, tinh tế cùng với những hình ảnh thơ độc đáo mới mẻ, nhà thơ đã vẽ lại một bức tranh với đường nét mềm mại và nét khỏe khoắn. Nỗi nhớ phải chân thành lắm, tình yêu phải sâu đậm lắm thì Quang Dũng mới có thể tạo nên bức tranh mà khi nhìn vào đó người đọc không khỏi ngỡ ngàng.

    Tây Tiến là nỗi nhớ của một con người thủy chung. Nỗi nhớ đó đưa nhà thơ trở về với những kỉ niệm đẹp đẽ chẳng thể nào quên. Dù nhớ về kỉ niệm nào thì cảm xúc của nhà thơ cũng thật mãnh liệt, thật chân thành và da diết. Phải là một người yêu và quý trọng những kỉ niệm thì mới có thể viết được những vần thơ như vậy.