Đề bài: Phân tích tác phẩm Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi

Bài văn mẫu

   Một người nghệ sĩ có tài là người nghệ sĩ biết tìm từ những chất liệu đã nhiều người nhào nặn, nhào nặn một điều mới mẻ, nhào nặn một đứa con tinh thần đích thực của mình. Nguyễn Thi chính là một người nghệ sĩ như vậy. Trong những năm kháng chiến, văn học cách mạng là nguồn đề tài để các tác giả khai thác triệt để. Mà khai thác liên tục chắc chắn sẽ cạn kiệt. Đối với Nguyễn Thi ông đã tìm ra cách khai thác trong đề tài mà nhiều người đã lật mở, đào xới.

   Không giống như nhiều nhà văn khác, khi thác đề tài chiến tranh ở những góc độ khác nhau, như vẻ đẹp thân phận con người, chiến tranh như một cơ hội để tâm hồn con người được phát lộ, ông nhìn chiến tranh ở một góc độ rất khác – góc độ gia đình. Với cách khai thác này, Nguyễn Thi đã đem đến cho bạn đọc cách nhìn mới mẻ về chiến tranh, về số phận và phẩm chất của con người.

   Các nhân vật trong truyện được xây dựng có tên tuổi và cá tính riêng. Nhưng cá tính của mỗi người luôn có mạch nguồn khởi từ chính gia đình họ, nơi mà họ được sinh ra, nơi mà họ thuộc về. Tính cách đó đã có trong tất cả các thành viên và ở thế hệ sau tính cavhs đó lại không ngừng được bổ sung, thêm những nét tính cách mới. Ví như nhân vật Việt, sinh ra trong một gia đình giàu tinh thần chiến đấu. Ngay từ khi còn chưa đủ tuổi, Việt đã tranh với chị lên đường nhập ngũ. Cậu sẵn sàng nói dối tuổi của mình: “em mười tám, chị Chiến em mười chin”. Rồi cô chị vừa thương em,đã nói: “Đến Tết này nó mới được mười tám anh à! Em nói để em đi trước , nó ở nhà, thủng thẳng để chú Năm em thu xếp rồi hãy đi, mà nó không chịu”. Như vậy, nguồn mạch, dòng màu yêu nước chảy trong huyết quản của hai chị em Việt Chiến chính là đã được hình thành ở các thế hệ trước đó. Và để giải quyết vấn đề này, chú của Việt và Chiến đã lên tiếng: “Tôi xin có một câu với đồng chí huyện đội. Hai đứa là cháu tôi nó một lòng theo Đảng như vậy, tôi cũng mừng. Vậy xin cứ ghi tên cho cả hai.Việc lớn tính theo việc lớn, còn việc nhỏ thỏn mỏn, tôi thu xếp khác xong”. Như vậy có thể thấy, nét tính cách này đã được thể hiện một cách triệt để và toàn bộ trong gia đình Việt Chiến. Nét tính cách đó được hun đúc lên từ lòng yêu nước và căm thù giặc sâu sắc của gia đình.

   Thứ hai, chính là văn hóa cộng đồng được thể hiện rõ nét trong tác phẩm. Văn hóa cộng đồng được thể hiện rõ trong đêm Việt bị thương, nằm giữa rừng, điều câu lo lắng, sợ hãi không phải là vết thương, không phải là nỗi đau đớn về thể xác mà chính là sự cô độc. Không được sống cùng mọi người, không được cùng chiến đấu, cậu một mình cô độc không biết cái chết sẽ ập đến lúc nào. Điều đó làm cậu thực sự sợ hãi. Bởi vậy, trong cơn mê man, Việt nhớ về những ngày ấu thơ, khi sống cùng chị, sống cùng chú Hai, rồi lại nhớ đến những người đồng đội của mình. Hình thức tái hiện quá khứ đó khiến cho Việt cảm thấy bớt cô độc, khiến cậu có thể kết nối được với mọi người. Tâm lí sợ cô đơn đó có thể lí giải bởi một vài nguyên nhân như: gia đình vốn là nơi mỗi người được sinh ra, bản thân chúng ta đều có một sợi dậy vô hình nối kết mọi thành viên trong gia đình với nhau. Đối với Việt gia đình còn là nơi để cậu có thêm động lực sống, chiến đấu để trả thù cho cha mẹ, cho những người thân thương của cậu.

   Như một nhà nghiên cứu đã nhận xét: “trong gia đình Việt, cái chất “anh hùng mộc mạc” được di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cha mẹ của Việt và Chiến là những con người hết sức dũng cảm, và dòng máu nhiệt huyết đó vẫn không ngừng chảy trong lồng ngực cháy bỏng của hai chị em Việt và Chiến. Những việc làm của thế hệ đi trước luôn có ảnh hưởng rất lớn đến hành động, việc làm của hai chị em hiện tại. Để nhắc nhở về truyền thống gia đình, Việt thường xuyên mơ thấy mẹ vào những bước ngoặt quan trọng nhất trong cuộc đời cậu: khi mới vào nhập ngũ, khi bị thương, hình ảnh người mẹ hồn hậu lại hiện về trong tâm trí cậu, nó như thứ năng lượng tinh thần đặc biệt tiếp thêm sức mạnh cho cậu. Đồng thời những hình ảnh của mẹ thường xuất hiện vào những thời điểm quan trọng cũng cho thấy niềm tin tưởng, đức tin của những người còn sống với những người đã khuất, đức tin về sự bảo vệ, che chở. Ta có thể thấy, họ - hai chị em Việt Chiến đến với cuộc chiến đầy dai dẳng và quyết liệt này không chỉ bằng lòng căm thù giặc, lòng yêu nước mà còn là cả một chiều sâu tâm linh gia đình sâu thẳm.

   Để làm nổi bật lên cách khai thác chủ đề truyện, Nguyễn Thi đã lựa chọn một cách kể truyện vô cùng mộc mạc, giản dị, tự nhiên. Điểm nhìn trần thuật vô cùng linh hoạt, chủ yếu dựa trên quan điểm của nhân vật. Dòng sự kiện đi theo những cảm xúc nhân vật, từ đó tác giả có thể dễ dàng quan sát những tình cảm, cảm xúc của nhân vật. Thời gian trần thuật liên tục bị xáo trộn, để ta vừa thấy một Việt vẫn còn những nét ngây thở, trẻ con, nhưng lại có cá tính, đã có sự khôn lớn, trưởng thành. Ngoài ra giọng điệu trần thuật gân guốc, rắn ròi cũng là một điểm nhấn trong tác phẩm. Đây là chất giọng điển hình của người dân Nam Bộ, những con người bộc trực, thẳng thắn, mạnh mẽ mà cũng giàu long yêu thương.

   Bằng một cách khai thác hiện thức rất khác, Nguyễn Thi đã đem đến cho người đọc một hiện thức khác, những con người khác trong hoàn cảnh chiến tranh. ở họ vẫn ngời sáng tinh thần anh hùng, dũng cảm nhưng nó không đơn độc, mà xuất phát từ truyền thống gia đình, xuất phát từ huyết mạch đang chảy trong họ. Cách khai thác đó, kết hợp với nghệ thuật kể chuyện đặc sắc đã tạo nên thành công cho tác phẩm.