Đề bài: Kể lại tấm gương giàu nghị lực làm em khâm phục và ngưỡng mộ

Bài văn mẫu

   Ở trường tôi học có một tấm gương giàu nghị lực, truyền cảm hứng tốt đẹp đến cho mọi người. Cô tên là cô Hiên, cô làm kế toán của trường. Một người trách nhiệm, tận tụy. Câu chuyện về niềm tin và cuộc sống của cô thực sự làm nhiều người xúc động.

   Tôi nghe nói cô Hiên đã làm việc ở trường học của tôi mười hai lăm. Cô cũng đã có một gia đình nhỏ với hai đứa con một trai, một giá xinh xắn. Khi tôi mới lên cấp hai tôi đã rất ấn tượng với một cô lúc nào cũng vui tươi, cười duyên, là người đến sớm nhất trường và cũng về muộn nhất trường. Người cô nhỏ bé nhưng dáng đi của cô rất nhanh nhẹn. Cô có mái tóc dài hay được búi gọn sau đầu. Đôi mắt cô lúc nào cũng sáng long lanh, lấp lánh niềm vui. Nhìn thấy cô là mọi người thấy vui vẻ bởi sức sống, niềm vui trong cô lan tỏa đến với mọi người.

   Các thầy cô giáo hay kể câu chuyện của cô để truyền niềm tin, sức sống, tinh thần vượt khó, lạc quan, vui vẻ cho học sinh chúng tôi. Trước đây, cô bị mắc một căn bệnh quái ác. Bệnh khiến cô đau đơn, khó di chuyển. Dù đã được chữa trị nhưng đôi chân cô dần tê liệt và đau nhức. Đau đớn là thế những cô quyết không bỏ một buổi học nào. Ngày ngày cô vẫn muốn đến trường để được gặp bạn bè, gặp thầy cô, đặc biệt là được học. Nhìn thấy lòng ham học của con, chiều lòng con gái bố cô nghỉ hẳn làm để đưa con đi học. Bởi với cô, sự di chuyển rất khó khăn nên bố cô xin nhà trường cho ông ở gần để được chăm sóc cô. Hằng ngày cô lên lớp nhờ bố và sự giúp đỡ của các bạn học. Ai cũng thương cô và muốn làm điều gì đó để giúp cô. Người giúp bế cô từ trên xe xuống, người giúp bố cô đẩy xe đẩy lên cầu thang, dìu cô đi vệ sinh… Có những lúc đau đớn quá nhưng cô cố chịu đựng, khi không chịu nổi nữa cô ngất đi. Sau đó cô không thể nhớ nổi mọi người nói gì, làm gì, không nghe nổi thầy cô giảng. Cô sợ hãi, khóc lóc bởi cô có thể sẽ không được đi học nữa. Ai cũng nghĩ cô sẽ thôi không đi học nữa nhưng không cô vẫn đi. Hóa ra, cô Hiên đã tìm báo đọc và tìm ra một cách mà cô cho là hữu dụng. Cô ghi lại tất cả những gì thầy cô và mọi người nói lại, từng câu, từng chữ. Không ghi kịp cô mượn vở của mọi người chép. Về nhà cô lại đọc đi đọc lại những ghi chép đó. Đọc ngày một, ngày hai, nhiều ngày… Kết hợp với những liệu pháp chữa trị ở bệnh viện, cô khắc phục được chứng hay quên. Ba năm cấp ba cứ diễn ra như thế, đau, quên, nhớ… Cô bước vào đại học.

   Chân trái của cô có dấu hiệu hoại tử, phần thịt cứ thối dần thôi mòn. Cô buộc phải nghỉ học, làm thủ tục nhập việc điều trị. Bác sĩ nói cô phải cắt bỏ cái chân ấy. Suy sụp nhưng cô không một lời oán trách hay than vãn. Trong thời gian ở viện, ngày ngày cô trang điểm, hát ca, mua hoa cắm lọ, đọc sách và hoàn thành chương trình học từ xa. Cô hay cười nói với các bệnh nhân khác, cô kể chuyện cho các bác bệnh nhân lớn tuổi. Những ngày tháng ở bệnh viên của cô trở nên ý nghĩa bao giờ hết. Những năm tháng học đại học trở nên khó khăn. Cô buộc phải bảo lưu một năm để điều trị dứt điểm. Cuối cùng trời cũng không phụ lòng người. Mọi nỗ lực của cô đã được đền đáp. Cô khỏi bệnh, tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi và được tuyển thẳng vào trường tôi làm việc.

   Có thể thấy cô Hiên thực sự xứng đáng là tấm gương sáng về nghị lực, lòng yêu đời, yêu người, lòng ham sống mãnh liệt. Bản thân tôi được sống trong sung túc, đầy đủ nhưng đôi lúc còn lười học, ham chơi. Mỗi khi nhìn thấy cô Hiên tôi lại có thêm động lực để cố gắng học và sống thật tốt, có ý nghĩa.