Đề bài: Lập dàn ý Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải.

Dàn ý mẫu

1, Mở bài

Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

    - Thanh Hải: một trong những nhà thơ có nhiều cống hiến trong nền văn học Việt Nam hiện đại.

    - Bài thơ: được sáng tác trong những giờ phút cuối đời của tác giả; đặc biệt thể hiện khát vọng sống, tình yêu quê hương đất nước.

2, Thân bài

a, Cảnh sắc mùa xuân đất Huế

    - Vẻ đẹp của thiên nhiên:

    + Hoa tím biếc mọc giữa dòng sông xanh: màu sắc hài hoà, màu tím của hoa lục bình làm dòng sông thêm sức sống. Câu thơ “tĩnh” làm nổi bật cái “động” trong câu thơ thứ hai

    + Chim chiền chiện hót vang trời: tác giả thốt lên “ơi con chim chiền chiện” như bất ngờ, vui mừng trước tiếng hót tươi vui của loài chim báo mùa xuân về.

    + Hình ảnh chuyển đổi cảm xúc: tiếng chim hót là vô hình, tác giả cảm nhận đó là “từng hạt long lanh rơi” ⇒ ham muốn cảm nhận vẻ đẹp của mùa xuân bằng tất cả các giác quan, ông xúc động bởi lúc này ông đang nằm trên giường bệnh, không thể đón mùa xuân như những năm tháng trước.

    - Vẻ đẹp của con người:

    + Người cầm súng: người lính đón mùa xuân không quên nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

    + Người ra đồng: người nông dân tiếp tục lao động, không bỏ bê công việc hàng ngày

    + Hình ảnh “lộc”: lộc quanh lưng chiến sĩ ra trận là cành cây ngụy trang, đồng thời là niềm hân hoan trước những thắng lợi mới của cách mạng; lộc trải trên ruộng nương của nông dân là những cây trồng, báo hiệu mùa màng bội thu

⇒ Cặp hình ảnh song hành cùng tính từ “hối hả”, “xôn xao”: tạo nên một hình ảnh đất nước phát triển trong một mùa xuân mới

b, Mùa xuân của đất nước

    - Từ mùa xuân của đất trời, tác giả nhớ đến lịch sử đất nước:

    + Lịch sử bốn nghìn năm “vất vả và gian lao”: những khó khăn mà đất nước gặp phải rất nhiều từ lúc dựng nước cho tới nay.

    + Ca ngợi đất nước anh hùng: tác giả so sánh đất nước như vì sao “cứ đi lên phía trước”, ca ngợi dân tộc kiên cường vượt qua bao khó khăn.

c, Khát vọng của tác giả

    - Khát vọng cống hiến của tác giả: tác giả muốn hiến dâng cho đời:

    + Điệp từ “ta làm”: nhấn mạnh khát vọng của tác giả.

    + Những hình ảnh: con chim hót, một cành hoa, một nốt trầm - những hình ảnh nhỏ bé trong một tập thể rộng lớn, lặng lẽ cống hiến, góp sức của mình xây dựng đất nước.

    + Hình ảnh “nhập vào hòa ca”: cảm xúc mãnh liệt, tác giả muốn hòa mình vào tất cả mọi người đang cùng sống, chiến đấu và xây dựng đất nước.

    + Hình ảnh “mùa xuân nho nhỏ” đối xứng với mùa xuân của thiên nhiên, của đất nước: mùa xuân là mùa đẹp nhất của tự nhiên, tuổi xuân cũng là tuổi đẹp nhất của con người, nhưng tác giả nhấn mạnh mỗi con người đều như một mùa xuân nhỏ điểm tô cho sức sống của đất nước

    + Sự mong muốn cống hiến một cách lặng lẽ: dù còn trẻ hay khi đã già

d, Khúc ca cống hiến cuối cùng của tác giả:

    - Khổ thơ cuối bừng lên một tâm trạng tươi sáng: tác giả muốn ca những làn điệu dân ca Huế, nhắc tới những nhạc cụ truyền thống của dân tộc.

    - Bài thơ kết thúc với câu hát ca ngợi vẻ đẹp đất nước: ngàn dặm tình, là đất nước của tình người, tình yêu tự do.

3, Kết bài:

Tổng kết giá trị bài thơ:

    - Nội dung: bài thơ ca ngợi cuộc sống, thể hiện khát vọng sống, tình yêu thiên nhiên - đất nước - con người.

    - Nghệ thuật: thể thơ 5 chữ nhịp nhàng, dễ thuộc; hình ảnh trong sáng, sử dụng nhiều phép lặp, điệp từ nhấn mạnh khao khát cống hiến của tác giả.