Đề bài: Phân tích bài thơ "Viếng lăng Bác" của Viễn Phương

Bài văn mẫu 1

   Trong niềm vui lớn của cả đất nước ngày đại thắng 30-4-1975, mọi người chợt nhận ra một điều thiếu vắng không thể bù đắp được: không có Bác Hồ trong cuộc vui lớn này. Ôi, hơn ai hết, lẽ ra phải có Bác trong ngày họp mặt hôm nay, ngày hội mà chính Bác là người chuẩn bị, mơ ước và dõi theo nó trong hơn nửa thế kỉ của cuộc đời vĩ đại của mình! Đau nhất là nhân dân miền Nam, những người đã ao ước và đổ máu của mình cho mau chóng đến ngày gặp Bác.

   Chính trong tâm trạng ấy mà nhà thơ Viễn Phương từ thành phố Sài Gòn giải phóng, thành phố Hồ Chí Minh tâàn yêu, ra thăm lăng Bác và trở về với bài thơ "Viếng lăng Bác". Nỗi niềm của nhà thơ, chân thành và xúc động, đã bắt gặp nỗi niểm chung của mọi chúng ta.

   Viếng lăng Bác ư? Không, hình như đây chính là đến với Bác, đến thăm Bác. Bác đã mất ư? Không phải đâu, Bác đang sống, Bác đang ngủ đó thôi mà! Tưởng như Bác đang nhìn thấy mọi người từ xa, nhà thơ thầm đặt tay lên ngực mình, tự giới thiệu với Bác:

 "Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác." 

   "Con ở miền Nam" mấy tiếng ấy bao hàm một nỗi đau và một niềm tự hào. Con ở tự miền Nam đây Bác ơi! Miền Nam gian khổ và anh hùng, miền Nam đi trước về sau, miền Nam thành đồng Tổ quốc, miền Nam vừa chiến thắng kẻ thù hung bạo để trở về trong đại gia đình Việt Nam đây Bác ơi! Con ở tự miền Nam đây Bác ơi! Miển Nam với nỗi đau mất Bác, nỗi đau không đón từng bước chân Bác sau ngày thắng lợi đây Bác ơi!

   Trong làn sương mờ của một ngày thu Hà Nội, đến với Bác, sao như là trở lại một làng quê thanh bình nào vậy:

 "Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát  Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam  Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng" 

   Hàng tre bát ngát – hàng tre xanh xanh – hàng tre Việt Nam: hàng tre bao đời như một dấu hiệu đặc biệt Việt Nam, hàng tre trùm bóng mát rượi lên bao thế hộ cuộc đời, hàng tre mang bao phẩm chất của con người Việt Nam: dẻo dai, đoàn kết, bất khuất, kiên cường. Dấu hiệu đầu tiên ở nơi Bác đúng là một dấu hiệu Việt Nam, bởi vì Bác cũng chính là một biểu hiện Việt Nam, tiêu biểu cho con người Việt Nam hơn ai hết. Ở Bác có tất cả những gì mà con người Việt Nam từng có, cũng cái dấu hiệu xanh tươi sự sống ấy, cũng cái kiên cường "đứng thẳng hàng" trong "bão táp mưa sa" ấy.

   Ôi! Đến với Bác không phải là đi mà là trở về, trò về nguồn cội của chính mình, trở về với một ngày tháng thanh bình của dân tộc muôn đời. Sao trước lăng Bác không phải là đền đài tráng lệ, rực rỡ vàng son, rồng chầu phượng đứng? Mà tại chỉ là hàng tre, giản dị khiến cho người ta phải ngỡ ngàng, phải xúc động đến rơi nước mắt?

   Giờ là lúc xếp thành hàng để đi vào với Bác. Dòng người chầm chậm bước đi. Bầu trời cao lồng lộng trên lăng. Mặt trời tỏa sáng trên lăng. Chân bước đi mà hồn ngẫm nghĩ. Nhìn trời cao và nghĩ về Bác. Bác là ai? Bác là gì trên cõi đời này?

 "Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng  Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ." 

   Bác là một mặt trời. Cái ẩn dụ mặt trời ở đây không biết đã đủ để nói về Bác chưa? Chưa đâu, nếu nói Bác là mặt trời thì phải nhấn mạnh thêm cho rõ cái đặc tính này của vầng mặt trời ấy: rất đỏ. Cái mặt trời đang tỏa sáng trên cao kia, cái mặt trời của thiên nhiên, tượng trưng của nguồn nóng, nguồn sáng, nguồn sự sống ấy, không phải bao giờ cũng nguyên vẹn thế đâu, không phải ngày nào cũng ấm nồng thế đâu! Nhưng vầng mặt trời Bác Hồ của ta thì mãi mãi đỏ thắm, mãi mãi là nguồn sưởi ấm, nguồn sáng soi đường cho con người Việt Nam. Hôm nay, có hai mặt trời chiếu dpi trên đường đời; một mặt trời tỏa sáng trước mặt, một mặt trời tỏa sáng tâm hồn ... Như mặt trời kia, Bác thuộc về vĩnh cửu.

   Cùng với mặt trời vẫn ngày ngày đi qua trên lăng là:

 "Ngày ngày dòng người đi trong thương nhờ  Kết tràng hoa dâng bẩy mươi chín mùa xuân." 

   Nhịp thơ chầm chậm như bước chân người đi trong cuộc tưởng niệm mà sao câu thơ vẫn không buồn? Phải rồi. Chúng ta không làm cái việc tưởng niệm bình thường với Bác như với một người đã khuất. Dòng người đang đi đây là đang đi trong cuộc hành trình ngợi ca vinh quang của Bác. Và tràng hoa vinh quang này không phải được kết bằng những bông hoa bình thường như mọi tràng hoa vinh hiến Ịchác trên đời đâu. Đây là một tràng hoa bất tận, mà mỗi đóa hoa là hoa thật sự của đời, hoa – con người, mà Bác đã tạo nên trên đất nước này, trong cuộc sống bảy mươi chín mùa xuân ngắn ngùi nhưng trường cửu của Bác.

   Từ bên ngoài, theo đi chầm chậm, ta cùng nhà thơ đi vào trong lăng với Bác. Đây là phút nghẹn ngào. Ta không còn nghĩ đến hàng tre ngoài lăng, ta không còn nghĩ đến vầng mặt trời trên lăng. Lúc này, trước mặt ta chỉ có Bác. Bác nằm đó trong giấc ngủ vĩnh hằng:

 "Bác nằm trong giấc ngủ bình yên  Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền  Vẫn biết trời xanh là mãi mãi  Mà sao nghe nhói ở trong tim" 

   Nhà thơ sững sờ nhận ra nỗi đau lớn: Bác mất thật rồi. Nhưng Bác, con người vĩ đại giữa con người, không đang trong sự chết bình thường như ta vẫn nghĩ theo lẽ đời. Hình như Bác chỉ ngủ sau một chặng đời với bảy mươi chín mùa xuân chưa hề được nghỉ ngơi. Mà cũng hình như không phải Bác ngủ, Bác chỉ đang "nằm trong giấc ngủ" đó thôi! Canh cho sự bình yên trường cửu của giấc ngủ ấy là "một vầng tràng sáng dịu hiền".

   Nhắc đến trăng, ta chợt nhớ Bác yêu trăng biết bao! Trăng đã từng đến với Bác giữa chốn tù đày, đến giữa "cảnh khuya" của núi rừng Việt Bắc; trăng khi đi thuyền trên sông Đáy, khi "trung thu trăng sáng như gương", "rằm xuân lồng lộng trâng soi" ... Nhưng có bao giờ Bác được một lúc lòng trí thảnh thơi để thật sự đến cùng trăng. Bởi khi thì "trong tù không rượu cũng không hoa", khi thì "việc quân đang bận", khi thì phải "nhớ thương nhi đồng" ... Chỉ có bây giờ, trong giấc ngủ bình yên này thôi, Bác mới thật sự cùng trăng, để trăng cùng Bác.

   Bác nằm đó, trong quan tài thủy tinh, ấy là sự thật mà lòng ta không thể nào chấp nhận được. Ta tự an ủi ta bằng lẽ trường cửu ở đời nhưng con tim ta lại có cái lí riêng của nó.

 "Vẫn biết trời xanh là mãi mãi  Mà sao nghe nhói ở trong tim." 

   Một từ "nhói" của nhà thơ nói hộ ta nỗi đau đớn, nỗi đau vượt lên mọi lí lẽ, mọi lập luận của lí trí. Bác như trời xanh, Bác là mãi mãi, Bác vẫn sống trong tâm tưởng mỗi chúng ta, Đác mãi hiện diện irên mỗi phần đất, mỗi thành quả, mỗi phần tử tạo nên đất nước này. Nhưng mà Bác mất thật rồi, ta không còn có Bác trong cuộc đời thường này. Vắng Bác, cái thiếu vắng ấy lấy gì để bù đắp được?

   Cuối cùng dẫu xót xa đến mấy, cuộc chia biệt cũng phải xảy ra. Để Bác nằm lại với giấc ngủ bình yên vĩnh viễn, với ánh trăng trường cửu trong lăng, mỗi người phải bước đi, với cảm giác thật sự về nỗi đau mất Bác:

 "Mai về miền Nam, thương trào nước mắt. " 

   Một tiếng "thương" của miền Nam là trọn vẹn tình cảm eủa người miền Nam đối với Bác. "Thương", ấy là yêu, là kính yêu, là quý trọng cả cuộc đời cao thượng và vĩ đại của Bác đã đành hết cho nước, cho dân; ấy là cảm động đến xót xa vì đời sống của Bác sao khiêm nhường đến vậy, giản đơn hi sinh đến vậy; ấy là xót đau vì nỗi đau mất Bác. Thương, thương đến trào nước mắt, thật đúng là tình thương của nhân dân Việt Nam, nhân dân miền Nam đối với Bác trong giây phút này, giây phút đứng lặng trước sự vĩ đại, sự cao thượng, lòng tận tụy, hi sinh vô bờ bến kết tinh cụ thể đằng sau lớp thủy tinh trong suốt kia.

   Cùng với niềm thương trào nước mắt ấy, những lời lẽ tự nguyện cũng trừng điệp dâng lên đầy ắp tâm trí:

 "Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác  Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây  Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này." 

   Chân bước đi mà mặt còn ngoảnh lại, không muốn rời xa, không muốn cách chia. Một sức vô hình nhưng mãnh liệt níu kéo lòng ta ở lại. Ôi, giá có được phép lạ thần kì để ta vĩnh viễn không mất Bác. Ước chi ta có thể biến hình thành những gì thân yêu quanh nơi Bác ngủ để mãi được chiêm ngưỡng Bác, cuộc đời và tâm hồn của Bác, để bày tỏ lòng ta với Bác. Một con chim nhỏ góp tiếng hót làm vui những bình minh của Bác. Một đóa hoa góp mùi hương làm thơm không gian quanh Bác. Một cây tre trong hàng tre xanh xanh Việt Nam tỏa bóng mát dịu dàng của quê hương bên Bác.

   Nhưng nhà thơ không thể mong ước gì hơn. Sự thật là cuộc chia li phải xảy ra, đã xảy ra. Câu thơ trầm xuống để kết thúc, ngừng lặng hoàn toàn.

   Bài thơ từ đây đã kết thúc nhưng tâm sự nhà thơ từ đây lại vút cao lên. Một nỗi thương tiếc khôn nguôi, những nỗi niềm tự nguyện về cuộc đời mình để xứng đáng với Con Người khiêm nhường và vĩ đại, người thầy, người cha, người bác, vị lãnh tụ đã sống cuộc đời tột bậc vẻ vang của Con Người, cho Con Người.

   "Viếng Lăng Bác" là một trong những bài thơ viết muộn màng rất lâu sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, sau hàng nghìn bài thơ đã viết về nỗi đau mất Bác. Thế mà bài thơ vẫn tìm cho mình một tiếng nói mới. Cái mới ấy xuất phát từ tấm lòng chân thành của nhà thơ. Nguyên nhân chủ yếu tạo nên thành công của bài thơ cũng chính là điều đó. Thế đấy, văn chương là chữ nghĩa, nhưng trước hết là tấm lòng.

Bài văn mẫu 2

 "Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà Miền Nam mong Bác nỗi mong cha." 

   Nỗi mong chờ và ao ước của đồng bào miền Nam được Bác vào thăm không còn nữa! Người đã ra đi mãi mãi để lại bao niềm nuối tiếc trong lòng mỗi người dân Nam Bộ, Viễn Phương - nhà thơ trẻ miền Nam - được vinh dự ra thăm lăng Bác. Tác giả đã thay mặt nhân dân miền Nam bày tỏ tình cảm của mình khi đứng trước người cha già dân tộc. Xúc dộng tận đáy lòng, Viễn Phương viết bài "Viếng lăng Bác". Đây là bài thơ gợi cho em niềm cảm xúc sâu xa nhất.

   Cảm xúc đầu tiên mà em cảm nhận được từ bài thơ có lẽ vì bài thơ thể hiện được tình cảm chân thành và giản dị của đồng bào Nam bộ muốn nhắn gửi, nhờ Viền Phương nói hộ cùng Bác nỗi mong chờ và mong đợi Bác vào thăm.

   Xúc động dạt dào, mở đầu bài thơ, tác giả viết:

 "Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát Ôi hàng tre! Xanh xanh Việt Nam" 

   Tình cảm của nhà thơ rất chân thành và cũng rất gần gũi. Đối với người chiến sĩ miền Nam được ra thăm lăng Bác là một điều rất vinh dự. Nhưng không vì thế mà giảm mất tình yêu thương của tác giả đối với Bác. Câu thơ ấm áp tình người với cách xưng hô thân mật "con". Bởi tất cả mọi người đều là những người con trung hiếu của Bác, xem Bác như 'là cha, là bác, là anh". Tình người bao la, giản dị, tình dân tộc đằm thắm mến yêu. Đoạn thơ đã tạo nên một không khí ấm áp, gần gũi. Tác giả khéo léo chọn hình ảnh cây tre, hình ảnh thân thuộc của đất nước để mờ bài thơ rộng hơn. xa hơn nhưng cũng gần gũi hơn bao giờ hết. Nhắc đến hình ảnh cây tre, ta lại nghĩ tới dất nước, tới dân tộc Việt Nam với bao đức tính cao quí. Tre anh dũng trong chiến đấu, tre yêu thương giúp đỡ dân tộc, tre hi sinh cho thế hệ mai sau và tre cũng rất anh hùng bất khuất:

 "Nòi tre đâu chịu mọc cong Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường" 

   Tre đã vất vả, chịu nhiều nắng mưa nhưng vần hiên ngang đứng giữa trời xanh, như dân tộc ta không bao giờ khuất phục bọn giặc cướp nước "Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng".

   Theo đoàn người, tác giả vào thăm lăng Bác, nhà thơ nhìn thấy:

 "Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ." 

   "Mặt trời" ngày ngày đi qua trên lăng là mặt trời của đất, nguồn sáng lớn nhất, rực rỡ và vĩnh viễn trên thế gian. Nhưng mặt trời ấy còn thấy và nhận ra một mặt trời khác, một "'mặt trời trong lăng" rất đỏ. Mặt trời trên cao được nhân hóa, nhìn mặt trời trong lăng bằng đôi mắt của mặt trời. Một hình ảnh chứa chan bao tôn kính đối với Bác Hồ vĩ đại. Bàng hình ảnh ẩn dụ, nhà thơ đã ví Bác là mặt trời. Người là mặt trời đỏ rực màu cách mạng sẽ mãi mãi chiếu sáng đường chúng ta đi bằng sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người. Đây là nét nghệ thuật sáng tạo cùa tác giả. Độc đáo hơn, nhà thơ còn sáng tạo một hình ảnh khác nữa để ca ngợi Bác:

 "Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân." 

   Hình ảnh những dòng người đi trong thương nhớ kết thành những tràng hoa không chỉ là hình ảnh tả thực so sánh những dòng người xếp thành hàng dài vào lãng Bác trông như những tràng hoa vô tận. Nó còn có nghĩa tượng trưng: Cuộc dời của họ đã nở hoa dưới ánh sáng của Bác. Những bông hoa tươi thắm đó đang đến dâng lên Người những gì tốt đẹp nhất. "Dâng bẩy mươi chín mùa xuân". Đây là hình ảnh hoán dụ mang ý nghĩa tượng trưng. Con người bảy mươi chín mùa xuân ấy đã sống một cuộc đời đẹp như những mùa xuân và đã làm ra những mùa xuân cho đất nước, cho con người. Nhà thơ vào lăng, được nhìn thấy Bác nằm trong giấc ngủ bình yên giữa một vùng ánh sáng nhè nhẹ dịu hiền. Ánh sáng ấy nơi Bác nẳm được nhà thơ miêu tả như ánh sáng một vầng trăng hiền dịu:

 "Bác nằm trong giấc ngủ bình yên Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền Vẫn biết trời xanh là mãi mãi Mà sao nghe nhói ở trong tim!" 

   Ánh sáng của những ngọn đèn mờ ảo trong lăng gợi nhà thơ sự liên tưởng thật là thú vị "ánh trăng". Tác giả đã thế hiện sự am hiểu của mình về Bác qua sự liên tường kì lạ đó. Bởi trăng với Bác từng là đôi bạn tri âm tri kỉ. Ánh trăng bát ngát ngoài trời đã từng vào thơ Bác trong nhà lao, trên chiến trận, giờ đây trăng cũng đến để ru giấc ngủ ngàn thu cho Người. Với hình ảnh "vầng trăng sáng dịu hiền" dụng ý nhà thơ còn muốn tạo ra một hệ thống hình ảnh vũ trụ để ví với Bác. Người có lúc như mặt trời ấm áp, có lúc dịu hiền như ánh trăng rằm. Bác của chúng là là vậy. "Mặt trời", "vầng trăng", "trời xanh" đó là những cái mênh mông bao la của vũ trụ được nhà thơ ví như cái bao la rộng lớn trong tình thương của Bác. Đó cũng là biểu hiện sự vĩ đại, rực rỡ. cao siêu của con người và sự nghiệp cùa Bác. Biết rằng Bác vẫn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng và tâm trí nhân dân như bầu trời xanh vĩnh viễn trên cao. Nhưng nhà thơ vẫn không khỏi thấy nhói đau trong lòng khi đứng trước thi thể của Người: "Mà sao nghe nhói ở trong tim". Nỗi đau như hàng ngàn mũi kim dâm vào trái tim thổn thức của tác giả. Đó là sự rung cảm chân thành của nhà thơ.

   Còn đứng trong lãng Bác, nhưng khi nghĩ đến lúc phải xa Bác, Viễn Phương thấy bịn rịn không muốn dứt. Tình cảm của nhà thơ trong suốt thời gian trên luôn sâu lắng, đau lặng lẽ nhưng đến giây phút này, Viễn Phương không thể nào ngăn được nữa. để cho tình cảm theo dòng nước mắt tuôn trào, dâng lên cao và tha thiết nhất "mơ về miền Nam thương trào nước mắt". Chỉ nghĩ đến việc về miền Nam, tác giả cũng đã "trào nước mắt", luyến tiếc khi chia tay, bịn rịn không muốn xa nơi Bác nghỉ, ở câu thơ này, tác giả không sử dụng một nghệ thuật gì cả, chỉ là lời nói giản dị, là tình thương sâu lắng tự tấm lòng nhưng lại làm cho ta xúc động, bài thơ thêm giàu cảm xúc. Một cách nói không hoa mĩ, chân thành như người dân Nam bộ, nhưng lại lắng trong đó nỗi thương yêu đau đớn không có gì có thể nói và tả được Tác giả thay mặt cho nhân dân miền Nam .bày tỏ niểm thương tiếc vô hạn đối với vị cha già dân tộc. Câu nói giản dị ấy làm người đọc thêm hiểu và đồng cảm với cảm xúc của Viễn Phương, bởi lời nói đó đều xuất phát từ muôn triệu trái tim bé nhỏ cùng chung nỗi đau không khác gì tác giả. Được gần Bác dù chỉ trong giây phút nhưng không bao giờ ta muốn xa Bác bởi Người ấm áp quá, rộng lớn quá. Ước nguyện thành kính của Viễn Phương cũng là mong ước chung của những người đã hoặc chưa một lần nào gặp Bác:

 "Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác  Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây  Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này." 

   Từ ngữ "muốn làm" được lặp di lặp lại nhiều lần trong đoạn thơ thể hiện được ước muốn, sự tự nguyện của tác giả. Hình ảnh cây tre lại xuất hiện khép bài thơ lại một cách khéo léo. Một mong ước chân thành của nhà thơ. Tác giả muốn làm con chim hằng ngày ca hót cho Bác yên ngủ, làm đóa hoa tỏa hương thơm ngào ngạt, cùng muôn đóa hoa khác làm đẹp nơi Bác nghỉ. Và vui sướng nhất khi được làm cây tre trung hiếu đứng mãi bên Bác canh từng giấc ngú của Người. Cánh hoa ấy, tiếng chim hót và cây tre trung hiếu ấy giữ mãi cho Người giấc ngủ bình yên. Viễn Phương nói lên mong ước của mình cũng như là ước nguyện của tất cả chúng ta muốn được gần Bác để được lớn lên một chút:

 "Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta Ta bỗng lớn ở bên người một chút." 

   Bác của chúng ta là vậy. Người giàu tình thương yêu, giàu đức hi sinh và đời Người thì vô cùng giản dị. Đất nước ta mất Bác như mất người cha vĩ đại, người cha luôn luôn dành cho nhân loại tình thương vô bờ bến.

   Bài thơ "Viếng lăng Bác" thật giàu hình ảnh, giàu cảm xúc. mấy ai đọc bài thơ mà không thấy rung động trong lòng. Bằng cách sử dụng điêu luyện những biện pháp tu từ một cách sáng tạo, tác giả đã thể hiện tình cảm ngọt ngào đằm thắm lại rất giản dị chân thành đối với Bác. Nhà thơ đã truyền dược cảm xúc của mình đến với người đọc chính bởi cảm xúc của cả đồng bào Nam bộ nói riêng cùa dân tộc nói chung. Chúng ta những cháu ngoan của Bác Hồ cũng xin nguyện như Viễn Phương làm cây tre trung hiếu, làm bông hoa đẹp, làm tiếng chim hay và làm muôn ngàn công việc tốt để dâng lên Người.

Bài văn mẫu 3

   Có lẽ không bao giờ và mãi mãi, nhân dân miền Nam mất đi niềm tự hào, kiêu hãnh về mảnh đất mang tên Hồ Chí Minh mà mình đang gắn bó. Dẫu biết bao thế hệ chúng tôi không diễm phúc được một lần gặp bác nhưng hình ảnh Người vẫn lồng lộng trong tim và nhớ câu nói: "Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi" của Bác. Nhà thơ Viễn Phương đã cùng linh hồn chúng tôi gửi trọn cả trái tim miền Nam đến với "vị cha của dân tộc" qua bài thơ Viếng lăng Bác dạt dào cảm xúc.

   Bài thơ mở đầu bằng bối cảnh bình dị:

 Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác ... 

và khép lại trong hình ảnh ... "Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này". Lời bài thơ thật tha thiết, trang nghiêm; có lúc dường như dạt dào chảy, bật hẳn lòng thành kính sâu sắc với Bác của tác giả.

   Bài thơ mở ra một khung cảnh thân thương của đất Bắc trong nhịp bước của nhà thơ:

 Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác ... Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng. 

   Khổ thơ thể hiện tình cảm kính trọng của lớp trẻ miền Nam đối với Bác trong cách xưng hô "Con – Bác" vừa biểu lộ sự ngưỡng mộ, thành kính vừa gần gũi thân thương. Mặc dù sương sớm có làm cảnh vật mờ đi nhưng tác giả vẫn cảm thấy nơi đây thật thân thuộc bởi khung cảnh "bát ngát" lũy "tre" xanh gợi nhớ tỏng Viễn Phương một thoáng liên tưởng đến phong thái của dân tộc Việt Nam: vẫn một màu xanh vĩnh cửu, hiên ngang, bất diệt trong tiếng biểu cảm. "Ôi" nhưng không hề lộ một trạng thái ngạc nhiên mà trái lại nhà thơ cảm thấy gắn bó với dáng đứng trải dài khắp đất nước của tre mặc dù "bão táp mưa sa" khắc nghiệt nhất. Tre vẫn tồn tại, phát triển, sừng sững giữa đất trời Việt Nam – tượng đài "tre" cũng tương đồng với tượng đài của vị lãnh tụ tài ba ...

   Đứng trước lăng Bac, nhà thơ không khỏi xúc động trước tình cảm tiếc thương của nhân dân cả nước với công ơn trời biển của Bác qua khổ thơ:

 ... Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng ... Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân. 

   Đọc câu thơ ta như "say" trong hào quang rực rỡ của hai ánh mặt trời. Hình tượng mặt trời của Bác được Viễn Phương liên tưởng thật tuyệt vời sáng tạo và độc đáo qua nghệ thuật ẩn dụ.

   Con người cảm nhận được sự vĩ đại của Bấc trong lúc còn sống cho đến lúc mất đi vẫn rạng ngời thắm sắc. Riêng mặt trời thực dù có mang lại ánh sáng và sự sống cho nhân loại nhưng vẫn chưa có ai tận mắt thấy được màu sắc của nó. Ý thơ ngộ nghĩnh mà độc đáo! Điệp từ "ngày ngày" trong bốn câu thơ vừa thể hiện một quy luật tự nhiên của tạo hóa vừa là quy luật của tình cảm của dòng người nối nhau viếng lăng Bác. Hình ảnh ẩn dụ "tràng hoa" làm người đọc hình dung được chính mình đang hòa trong dòng người thương nhớ Bác để tô thắm thêm những mùa xuân tuyệt vời mà Bác đã cống hiến cho đời. Toàn thể khổ thơ thể hiện tình cảm của nhân dân Việt Nam đối với Bác thật đáng kính trong lời thơ trang nghiêm mà tha thiết vô cùng.

   Bác đã đi xa nhưng tác giả vẫn cảm thấy Bác đang trong "giấc ngủ say giữa đất trời bình yên của quê hương "dịu hiền". Phải, Bác vẫn còn sống trong lòng mọi người! Tác giả có mâu thuẫn không khi viết:

 Vẫn biết trời xanh là mãi mãi Mà sao nghe nhói ở trông tim 

   Trong câu thơ, nhà thơ đề cập đến quy luật của cuộc sống qua đó gửi gắm suy nghĩ của mình. Hình ảnh ẩn dụ "trời xanh" càng khẳng đinh Bác Hồ đã mất thật rồi. Khổ thơ dẫn dắt người đọc từ cái xa đến thực tế đó như mũi kim là "nhói" trái tim của lớp thế hệ khao khát được gặp Bấc.

   Khổ thơ cuối nhà thơ đưa mọi người bay bổng theo khát vọng của mình. Vì thương tiếc "trào nước mắt" trước một vĩ nhân mà tác giả "muốn làm con chim" suốt ngày ca hát ngợi ca về Bác; "muốn làm đóa hoa" ngát hương điểm tô cho Bác. Và thật đáng trân trọng khi tác giả mơ ước mình trở thành một trong số những cây tre mộc mạc nhưng thủy chung, "trung hiếu" hiên ngang của hàng tre Việt Nam làm đẹp cho đời theo Bác Hồ. Ý thơ thể hiện sự khiêm tốn nhưng đáng quý của nhà thơ.

   Bài thơ là khúc nhạc lòng mà nhà thơ Viễn Phương đã đại diện nhân dân miền Nam gửi đến Bác. Không biết ở một cõi vĩnh hằng xa xôi. Bác có nghe thấy không?

Bài văn mẫu 4

   Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân vật lịch sử thân yêu nhất của dân tộc Việt Nam thế kỉ XX. Người để lại hình ảnh một người Cha già hiền từ, một tên gọi Bác thân thiết, Người hiện thân cho những gì cao đẹp và mạnh mẽ của dân tộc. Lăng Bác trở thành nơi lưu giữ bóng dáng Bác lúc sinh thời, nơi chiêm ngưỡng thành kính của nhân cả nước và bạn bè quốc tế. Biết bao nhà thơ đã làm thơ về Người, về lăng Người. Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương là một bài thơ ngắn đầy xúc động, thể hiện được tấm lòng của đồng bào miền Nam đối với Người.

   Mở đầu bài thơ, tác giả tự giới thiệu:

 Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác. 

   Lời thơ giản dị này chứa đựng rất nhiều cảm xúc. Sinh thời Người luôn nghĩ đến miền Nam, nhà thơ Tố Hữu từng viết:

 Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà Miền Nam mong Bác, nỗi nhớ Cha                   (Bác ơi) 

   Lời bài thơ đúng là lời của người con miền Nam ra thăm lăng Bác, nơi yên nghỉ của người Cha già dân tộc. Tình cảm trong bài đúng là tình cảm của người con ở xa mà nỗi nhớ thương ấp ủ bấy lâu như chỉ chờ gặp lại bóng dáng thân yêu là trào dâng, thổn thức.

   Từ xa, nhà thơ vừa nhìn thấy hàng tre quanh lăng, đã xiết bao xúc động:

 Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng 

   Nhà thơ hẳn phải đến rất sớm xếp hàng vòa viếng khi sương sớm còn bao phủ quanh lăng. Theo con đường quanh quanh dẫn tới lăng nổi lên hàng tre bát ngát. Bat ngát của tre và bát ngát của sương. Nhà thơ bắt gặp một hình ảnh thân thuộc mà bao năm đã in hằn vào tiềm thức: "hàng tre xanh xanh Vietj Nam, Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng". Một tình cảm vừa thân quen, vừa thương xót và tự hào. Thân quen vì người Việt Nam nào mà không biết tre, Thương xót vì tre phải chịu đựng bão táp, mưa sa, và tự hào vì tre vẫn thẳng hàng, không nghiêng ngửa. Từ sương sa mà liên tưởng đến bão táp, mưa sa cũng rất tự nhiên. Từ cây tre mà nghĩ đên Việt Nam, rồi cũng sẽ nghĩ đến Bác, cũng là tự nhiên, bởi từ lâu "cây tre", "Việt Nam", "Hồ Chí Minh" là những từ ngữ có mối liên hệ nội tại.

   Khổ thứ hai nói tới cảm xúc trước cảnh đoàn người sắp hàng đứng vào lăng. Hẳn là đoàn người rất dài, tốc độ đi rất chậm. Khổ thơ trên, cảnh vật đang còn sương phủ, bây giờ mặt trời đã lên cao trên đầu. Mặt trời trên lăng lại gợi nên một liên hệ mới:

 Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ. 

   Vì Bác với mặt trời là hình ảnh đã quen, nhưng đem so sánh mặt trời trên lăng và mặt trời trong lăng là một sáng tạo mới xuất thần, thoát sáo, chưa hề có. Mặt trời " rất đỏ " làm nhớ đến trái tim, trái tim nhiệt huyết, chân thành, trái tim thương nước thương dân.

   Ngắm nhìn dòng người vào viếng nhà thơ lại nghĩ đến vòng hoa:

 Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ Kết tràng hoa dâng bay mươi chín mùa xuân 

   Tràng hoa là chuỗi hoa vòng tròn. Tứng đoàn người đi viếng di chuyển từ phía sau lăng, qua bên lăng, vòng ra trước lăng rồi quay vào chính diện của lăng, đúng là tạo thành vòng tròn, khiến nhà thơ nghĩ đến tràng hoa. Bởi vì con người là hoa của đất những con người từng được Bác Hồ quan tâm. Mọi người hình như không phải đến viếng một người từ trần viếng một thi hài mà là đến viếng một cuộc đời bảy mươi chín mùa xuân đã hiến dâng bao nhiêu hoa trái. Ở đây, không chỉ liên tưởng sâu sắc, mà còn dùng từ tinh tế, đầy tình cảm nâng niu, quý trọng.

   Những chữ "ngày ngày" được lặp lại hai lần gây cảm giác một thời gian vô tận, vĩnh viễn không bao giờ ngừng của sự yên nghỉ, như tấm lòng nhân dân không nguôi nhớ Bác.

   Khổ thơ thứ ba nói về cảm xúc khi đã vào đến trong lăng. Đây là nơi ngự trị của cái im lặng trang nghiêm của sự yên nghỉ đời đời. Câu thơ đã viết rất đỗi chân thực và thơ mộng:

 Bác nằm trong giấc ngủ bình yên Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền. 

   Khung cảnh bình yên, lặng lẽ gợi lên giấc ngủ ban đêm, êm đềm dưới vầng trăng sáng dịu hiền. Nhà thơ một mặt không muốn cảm nhận đây là một giấc ngủ vĩnh viễn, ngủ giữa ban ngày, nhưng mặt khác không thể không thấy một sự thật: con người đang nằm kia đã vĩnh viễn ra đi:

 Vẫn biết trời xanh là mãi mãi Mà sao nghe nhói ở trong tim 

   Dù biết Bác sống vĩnh viễn như trời xanh, thì cũng không che giấu được một sự thật mất mát, làm đau nhói con tim. Câu thơ nghe như một tiếng khóc nghẹn ngào.

   Khổ thơ cuối cùng là cảm xúc trước khi ra về:

 Mai về miền Nam thương trào nước mắt Muốn là con chim ca hót quanh lăng Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây Muốn là cây tre trung hiếu chốn này. 

   Nghĩ đến ngày mai về miền Nam, nỗi thương xót làm trào rơi nước mắt. Không phải rưng rưng rơm rớm mà là trào, một cảm xúc mãnh liệt. Tình thương xót như nén giữa tâm hồn, làm nảy nở bao ước muốn. Ước muốn làm con chim hót quanh lăng Bác, để lại chút vui tươi, nhí nhảnh làm đóa hoa tỏa hương quanh lăng, một làn hương như thực như hư "đâu đây" thoang thoảng. Ước muốn làm cây tre trung hiếu quanh lăng. Mọi ước muốn đề uquy tụ vào một điểm là mong được gần Bác mãi mãi, hẳn là muốn làm vui, làm khuây, làm vơi nỗi lạnh lẽo của con người đã suốt đời hi sinh cho sự nghiệp giải phóng Tổ quốc, giải phóng dân tộc, một con người lúc sinh thời đã dành trọn tình thương yêu cho mọi tầng lớp nhân dân và đặc biệt cho đồng bào miền Nam ruột thịt.

   Bài thơ tả lại một ngày ra thăm lăng Bác, từ tinh sương đến trưa, đến chiều. Nhưng thời gian trong tưởng niệm là thời gian vĩnh viễn của vũ trụ, của tâm hồn. Cả bài thơ bốn khổ, khổ nào cũng trào dâng một niềm thương nhớ bao la và thương xót vô hạn. Bốn khổ thơ, khổ nào cũng đầy ẩn dụ, những ẩn dụ và trang nhã, thể hiện sự thăng hoa của tình cảm từ cõi hằng ngày lên cõi cao cả. Tình cảm đối với Bác chỉ có thể là tình cảm cao cả, nâng cao tâm hồn con người. Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương là một đóng góp quý báu vào kho tàng thi ca viết về Hồ Chủ tịch, vị lãnh tụ vĩ đại, kính yêu của dân tộc.